Hướng dẫn thủ tục chỉ định thầu
Năm 2017, đơn vị ông Võ Hữu Hạnh (Gia Lai) dự kiến trong năm 2018 sơn sửa các khu làm việc vì từ khi được nhận bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2007 đến năm 2018, cơ sở đã xuống cấp và chưa được bảo dưỡng.
Trong năm 2017, đơn vị ông đã đề nghị Sở Xây dựng đánh giá hiện trạng; mời công ty tư vấn thiết kế khái toán gói thầu sơn sửa, dự kiến là 498 triệu đồng và trình Sở chủ quản và Sở Tài chính.
Đầu năm 2018, dự toán của đơn vị được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng ý cho đơn vị gói thầu sơn sửa bảo dưỡng với trị giá 433 triệu đồng.
Ông Hạnh hỏi, vậy để triển khai gói thầu này, để chỉ định thầu thì đơn vị phải tiến hành các bước cụ thể về thủ tục như thế nào?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 2, Điều 22 Luật Đấu thầu quy định việc thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu quy định tại các Điểm b, c, d, đ và e Khoản 1 Điều này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có quyết định đầu tư được phê duyệt, trừ gói thầu tư vấn chuẩn bị dự án;
- Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;
- Đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu;
- Có dự toán được phê duyệt theo quy định, trừ trường hợp đối với gói thầu EP, EC, EPC, gói thầu chìa khóa trao tay;
- Có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày;
- Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.
Điều 54, 55, 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định hạn mức áp dụng hình thức chỉ định thầu, quy trình chỉ định thông thường, quy trình chỉ định thầu rút gọn.
Theo đó, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu phải tuân thủ quy định nêu trên.
|