Điều kiện về nhân sự khi chủ đầu tư tự quản lý dự án
Đối với trường hợp chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thì các cá nhân tham gia quản lý dự án làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và phải có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc đảm nhận.
Cơ quan của ông Nguyễn Anh Tuấn (Sở Y tế) được UBND tỉnh Lào Cai giao làm chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng công trình. Sau khi có văn bản giao của UBND tỉnh, cơ quan ông đã ra quyết định thành lập tổ để triển khai thực hiện dự án và sử dụng tư cách pháp nhân của sở để thực hiện đầu tư xây dựng công trình.
Quyết định thành lập bao gồm: Giám đốc Sở làm tổ trưởng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính làm tổ phó và Chánh Văn phòng sở, Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ… làm tổ viên (những cá nhân này không có năng lực chuyên môn về xây dựng).
Ông Tuấn hỏi, Sở sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc như vậy có đủ điều kiện năng lực để tham gia trực tiếp quản lý dự án không? Sở có phải thành lập Ban quản lý dự án để thực hiện hay chỉ thành lập tổ để thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng?
Những cá nhân thuộc thuộc bộ máy chuyên môn của Sở như đã nêu trên có được tham gia quản lý dự án không? Sau khi có quyết định thành lập tổ như trên Sở đã đăng ký mẫu dấu và tài khoản để thực hiện dự án như vậy đúng hay sai?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 21 Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ, đối với trường hợp chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thì các cá nhân tham gia quản lý dự án làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và phải có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc đảm nhận.
Khoản 8, Điều 1 Nghị định 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ quy định: “Chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện, năng lực để trực tiếp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng…”. Theo đó, chủ đầu tư căn cứ vào điều kiện cụ thể để tổ chức thực hiện việc quản lý dự án.
Việc đăng ký mẫu dấu và số tài khoản để thuận tiện trong quá trình thực hiện dự án là phù hợp.
|