So với Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước và Thông tư số 131/2007/TT-BTC ngày 05/11/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 thì Thông tư số 68 có một số điểm mới sau:
Nghiêm cấm chia lẻ gói thầu
Bộ Tài chính quy định các hình thức lựa chọn nhà thầu để mua sắm tài sản của cơ quan nhà nước bao gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
Thông tư nghiêm cấm việc chia lẻ gói thầu để thực hiện việc mua sắm theo các hình thức không phải đấu thầu hoặc lựa chọn hình thức đấu thầu không đúng quy định hoặc cố tình quyết định mua sắm tài sản, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu không đảm bảo thẩm quyền theo quy định.
Thực hiện đấu thầu rộng rãi
Thông tư quy định, việc lựa chọn nhà thầu trong mua sắm tài sản đều phải thực hiện đấu thầu rộng rãi, trừ một số trường hợp phải đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh...
Đấu thầu hạn chế được áp dụng trong các trường hợp: theo yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài đối với nguồn vốn sử dụng cho gói thầu; Gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù, gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm mà chỉ có một số nhà thầu có khả năng đáp ứng yêu cầu của gói thầu....
Các trường hợp: mua sắm hàng hoá để khắc phục sự cố bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần phải khắc phục ngay; hàng hoá chỉ do một nhà sản xuất và cung cấp với giá bán thống nhất trong phạm vi cả nước; gói thầu dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 500 triệu đồng, gói thầu mua sắm tài sản thuộc đề án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu không quá 100 triệu đồng... sẽ áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Bộ Tài chính quy định chào hàng cạnh tranh được áp dụng trong trường hợp có đủ các điều kiện: Gói thầu có giá dưới 2 tỷ đồng; Nội dung mua sắm là những tài sản thông dụng (có nhiều người sử dụng và có nguồn cung cấp đảm bảo, ổn định), sẵn có trên thị trường (hàng hóa được giao ngay khi có nhu cầu mà không phải thông qua đặt hàng để thiết kế, gia công, chế tạo, sản xuất)....
Thông tư nêu rõ nội dung mua sắm tài sản theo quy định gồm trang thiết bị, phương tiện làm việc theo quy định tại Quyết định 170/2006/QĐ-TTg; Máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn, phục vụ an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy; May sắm trang phục ngành (gồm cả mua sắm vật liệu và công may); Phương tiện vận chuyển: ô tô, xe máy, tàu, thuyền, xuồng và các phương tiện vận chuyển khác... (gọi chung là tài sản).
Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp mua sắm vật tư, trang thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng cũng như mua sắm trang thiết bị, phương tiện đặc thù chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh.